Trang chủ Đăng nhập Check mail
  New
 Tài liệu y học
   EMERGENCY MEDICINE
   A-Z Emergency Radiology
 Tin Y Khoa do PKB Bs Phúc biên soạn
   WHO cảnh báo về chứng bệnh giống bệnh SARS
   Tăng viện phí tại cơ sở y tế nhà nước từ 02/2012

  Album Hình Ảnh
 NOEL 2012

   
Vui buồn 115 - (Bài 2): Khi bác sĩ... trở thành nạn nhân!
  Vui buồn 115 - (Bài 2): Khi bác sĩ... trở thành nạn nhân!
( Cập nhâp:11/25/2008 1:46:05 PM)
(Nhóm cấp cứu ngoại viện cùng người nhà chuyển bệnh nhân lên xe. (Ảnh: Trần Ngọc))
Phải đối mặt với thái độ gay gắt và khiếm nhã. Còn chuyện bị hăm đánh, dọa kiện cáo xảy ra như cơm bữa.
>> Chạy đua với thần chết
Gặp nhiều chuyện oái oăm nhưng bao giờ bác sĩ và điều dưỡng vẫn phải bình tĩnh, tận tình cứu người trước rồi giải thích với gia đình bệnh nhân sau.


Dọa kiện bác sĩ ra tòa!

Bác sĩ Võ Quang Huy - Phó Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện kể: Cách nay ít tháng, giữa khuya nhóm cấp cứu đến xử lý tai nạn tại căn hộ lầu bảy của một chung cư ở quận 7. Chủ căn hộ là đôi vợ chồng người Hàn Quốc còn khá trẻ.

Vật dụng trong nhà tứ tung, ly tách bể nát. Bà vợ nằm im trên giường, người nặc mùi rượu, đưa tay chỉ cần cổ. Ông chồng đứng gần đó, liên tục ra dấu bảo chuyển gấp vợ đi bệnh viện. “Tôi đoán xảy ra xô xát giữa hai vợ chồng và bà vợ bị chấn thương xương cổ” - bác sĩ Huy nói.

Bệnh nhân được nẹp cố định cổ, cho lên băng ca nhưng nhóm cấp cứu không thể đưa xuống vì cầu thang bộ quá hẹp, còn thang máy thì nhỏ. Mọi người đang loay hoay, ông chồng chẳng những không phụ giúp mà còn xấn tới, túm áo cô điều dưỡng làm dữ, xí xô xí xào. Bác sĩ Huy can ngăn liền bị ông ta đấm vào người. Bác sĩ Huy gạt mạnh làm cánh tay ông chồng bật ngược lại, trúng vào mặt ông ta. “Tức tối, ông chồng gọi điện thoại cho ai đó, miệng luôn lập đi lập lại từ “Police, police” (cảnh sát - PV)”

Do không thể sử dụng băng ca nên nhóm cấp cứu đặt bà vợ ngồi trên ghế dựa, giữ chặt cổ rồi dùng thang máy đưa xuống, sau đó chuyển đến Bệnh viện Pháp -Việt. Xe vừa tới bệnh viện thì hai anh công an cũng có mặt và lấy lời khai từ bác sĩ Huy. “Cảnh sát khu vực nói ông Hàn Quốc sẽ kiện tôi ra tòa vì đã đánh ông ta, đồng thời đề nghị tôi phải có mặt nếu được cơ quan chức năng mời gặp. Tuy nhiên, chuyện đó đã không xảy ra” - bác sĩ Huy cười khì.

Bác sĩ bị nhốt

Có lần ở Bình Thạnh, bác sĩ Huy và hai điều dưỡng vừa bước vào thì người nhà đóng sầm cửa lại, ra... tối hậu thư phải cứu cho được bệnh nhân. “Oái oăm thay, bệnh nhân mắt nhắm nghiền, ngưng thở đã lâu. Giải thích thế nào họ cũng không nghe, yêu cầu chúng tôi phải... cứu sống bằng được” - bác sĩ Huy nói. Chiều theo ý gia đình, nhóm cấp cứu phải hì hục hồi sức đủ cách cho người... đã chết. Đến khi nhận thấy bác sĩ cấp cứu cật lực nhưng người bệnh vẫn không... sống lại thì gia đình mới tha, mở cửa cho về. “Được cho về đã là may. Nhiều lần chúng tôi bị người nhà bệnh nhân nhốt luôn, phải gọi điện thoại về tổng đài nhờ báo công an đến... giải vây” - bác sĩ Huy ngán ngẩm.

Bác sĩ Hà Thanh Hà - Phó Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện kể: Có lần nhóm cấp cứu đến căn nhà ở quận 10 để cấp cứu người đàn ông trên 70 tuổi đang trong tình trạng thở gắng sức, cao huyết áp. Hồi sức khoảng 30 giây, bất ngờ ông ta gồng mình, người tím tái rồi ngưng thở. Gia đình la ó lên, bảo ông ta chết là do bác sĩ. Một người đóng sầm cửa lại, người khác đòi thưa công an, cũng có người hăm... “luộc” cả nhóm.

Thực ra bệnh nhân không chết. Do cao huyết áp, phù phổi, lại bị suy tim... nên khi hồi sức ông ta rơi vào trạng thái chết lâm sàng. Chỉ cần bóp bóng ít phút ông ta tỉnh ngay. “Tuy nhiên, do nóng ruột nên gia đình không nghe giải thích, dẫn đến chuyện hiểu lầm” - bác sĩ Hà nói.

Cách đây ít ngày, người viết có dịp theo nhóm cấp cứu do bác sĩ Nguyễn Văn Trung phụ trách đến địa chỉ ở quận Tân Phú. Trên đường đi nhóm được người đàn ông đứng đón và đưa về nhà. Ông ta bảo người cha bệnh nặng, đang hấp hối.

Vừa đến nhà, một ông lớn tuổi ra chào, hỏi tìm ai. Bác sĩ Trung bất ngờ, tự giới thiệu rồi chỉ người đàn ông dẫn đường, bảo cha ông ta bệnh nặng cần cấp cứu. Người đàn ông lớn tuổi trố mắt, nói ông ta chính là cha của người dẫn đường và cho biết không có bệnh gì cả. Thì ra con trai ông ta... mắc bệnh hoang tưởng. “Không chỉ gọi 115, nhiều lúc nó còn gọi 113, 114 tới để... cứu giúp tôi” - người đàn ông thở dài.

Trong lúc bác sĩ Trung đề nghị ông lớn tuổi thanh toán chi phí xe cộ thì đột nhiên người dẫn đường chụp điện thoại, gọi 113 báo bác sĩ đang vòi vĩnh tiền gia đình. “Nếu các ông (lực lượng 113 - PV) không đến... còng tay bác sĩ thì án mạng sẽ xảy ra” - người dẫn đường hăm dọa. Ông này còn hô hoán khiến láng giềng tò mò đứng xem đông nghẹt. Chỉ khi gia đình lôi ông ta vào nhà mọi chuyện mới ổn.

Mệt với người say, người nghiện

Bác sĩ Hà Thanh Hà kể lại: “Một thanh niên say rượu đụng người đi đường, vội chạy về nhà ở quận Tân Bình với nhiều vết trầy, xước trên mình, máu me bê bết... Người nhà gọi 115. Chúng tôi đến và thấy anh ta ngồi lè nhè, khoác vai và gọi tôi là... chiến hữu, lại còn lấy chai rượu rót vào ly, khề khà mời tôi...cụng” - bác sĩ Hà tủm tỉm.

Khi bác sĩ Hà từ chối ly rượu, giới thiệu mình là bác sĩ đến khám cho anh ta, anh ta đổi ngay thái độ, nhìn tôi bằng cặp mắt đỏ ngầu, nghiến răng ken két rồi... bắt đầu chửi bằng những câu khó nghe. Chửi xong anh ta chỉ tay ra đường, đuổi cả nhóm cấp cứu về, rồi vừa chửi vừa ... hát.

Một lần khác cấp cứu người say rượu ở quận Phú Nhuận, khi nhóm cấp cứu đến thấy ông ta nằm dưới đất cạnh con dao, bụng ướt đẫm máu vì vết cắt. Thân nhân đứng quanh, nước mắt đầm đìa. Nhóm cấp cứu định đến băng bó vết thương thì ông ta lè nhè, dứ dứ con dao. “Tôi hỏi vì sao rạch bụng, ông ta bảo thích rạch thì rạch. Ông ta còn hỏi tôi có dám... rạch bụng không, nếu dám ông ta tôn tôi làm... sư phụ. Do quá say và mất máu nên ông ta cũng thiếp đi. “Cướp” lấy thời cơ, nhóm tiến hành xử lý vết thương và chuyển ông ta đến bệnh viện” - bác sĩ Hà kể.

Lần khác, được tin báo một thanh niên ngất xỉu khi vừa bước ra từ nhà vệ sinh của quán cà phê ở quận 11. Phát hiện cánh tay anh này còn vết chích, nhóm chẩn đoán anh ta ngộ độc heroin nên xử lý tại chỗ, sau đó cho lên xe chuyển đến bệnh viện. Xe vừa ngừng thì anh ta hồi tỉnh. Chẳng nói chẳng rằng, anh ta bước xuống xe rồi... te te đi ra cổng, vừa đi vừa chửi!

Nỗi lòng bác sĩ


Bác sĩ cấp cứu ngoại viện phải chịu áp lực rất lớn từ thời gian và tâm lý của người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Võ Quang Huy - Phó Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện chia sẻ: “Do lo lắng, người nhà thường vây quanh, gây ồn ào, mất trật tự, nhiều bệnh có triệu chứng giống nhau nên rất khó chẩn đoán được ngay. Ở phòng khám, nếu không biết bác sĩ có thể đọc sách để chẩn đoán bệnh là chuyện bình thường. Nhưng nếu chúng tôi giở sách ra trước mặt người nhà, họ sẽ nghi ngờ và cho mình là bác sĩ dỏm ngay!”.

Nhiều người coi các bác sĩ cấp cứu như những tay sai vặt hay người khuân vác. Không ít trường hợp kêu cấp cứu đến chỉ để chăm sóc cho bệnh nhân trong khi chờ bác sĩ riêng của họ. Có ca nếu chờ bác sĩ riêng của họ đến sẽ nguy hiểm tính mạng, các bác sĩ thuyết phục người nhà để mình can thiệp kịp thời. Mặc cho người nhà bệnh nhân quát mắng, chửi bới, thậm chí dọa đánh, các bác sĩ vẫn nhẫn nhịn vì họ hiểu cứu người là điều quan trọng nhất.

Bác sĩ Huy xót xa: “Chúng tôi không được tôn trọng như bác sĩ tại phòng khám. Đôi khi cũng thấy tủi thân lắm!”.

Nửa đêm trở về sáng, tiếng chuông điện thoại đường dây nóng mỗi lúc một réo rắt hơn. Chúng tôi đếm có không dưới 60 cuộc gọi trong vòng một giờ đồng hồ. Trong hàng trăm cuộc gọi đến trong một đêm, chỉ có khoảng sáu, bảy ca là cấp cứu thật. Điều dưỡng Xuân vừa bắt máy lên lại dập máy ngay khi nghe bên kia là tiếng chửi rủa, chọc phá. Vừa đưa tay vào mền để tránh muỗi, Xuân lại phải đưa tay ra nhấc máy. Lại một cuộc gọi đểu. “Người ta gọi điện phá liên tục nhưng không thể không bắt máy vì biết đâu mình đang bỏ qua một ca cấp cứu quan trọng” - Xuân bộc bạch.

Chốc chốc, tiếng chuông lại reo lên kéo cả đội ra khỏi giấc ngủ chập chờn...

Theo phapluat

 

Về trước  

Các tin mới cập nhật
  • WHO cảnh báo về chứng bệnh giống bệnh SARS
  • Tăng viện phí tại cơ sở y tế nhà nước từ 02/2012
  • Phòng dịch chủ động, không nên hoang mang
  • EMERGENCY MEDICINE
  • WHO vừa nâng mức báo động dịch cúm lợn từ cấp 4 lên 5.
  • Tìm ra vaccine chống vi khuẩn E. Coli
  • A-Z Emergency Radiology
  • Gãy dương vật
  • Pharmacologic treatment of amyotrophic lateral sclerosis
  • 8 giải pháp hàng đầu cho sắc đẹp
  • Các tin khác cùng loại
  • Chiến thắng của ông Obama, ý nghĩa của nó đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ.
  • Tổng Quan Về Kỹ Thuật Y Sinh
  • Các bệnh viêm mũi thường gặp
  • Mưa lớn ở Hà Nội các ngày qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có sức khỏe
  • Nguy cơ từ trà sữa trân châu
  • Những lưu ý giúp chăm sóc da hiệu quả
  • Một số loài rắn hổ thường gặp ở Việt Nam
  • “Tinh binh” và những con số ấn tượng
  • Kích thước "của quý" có ảnh hưởng đến chuyện ấy?
  • Thông tin về thuốc Fosamax điều trị loãng xương, nhân một câu hỏi tư vấn từ khách hàng.
  • Chữ Nhẫn
      Hình ảnh
       PHÒNG KHÁM BỆNH BÁC SĨ PHÚC - All Rights Reserved
       Ðịa chỉ: Số 02-Hùng Vương-Phường 2-Tp Cao Lãnh-T. Đồng Tháp
       Điện Thoại: 067.3851720  Fax: 067.3857346 - Di động: 0975.340.586  
      Designed by Tay A Co.,Ltd & drtrantanhieu   
    Từ thứ 2 đến thứ 6: Sáng từ 5h30 đến 8h. Trưa từ 10h đến 13h30. Chiều từ 15h00 đến 19h30. Thứ 7 và Chủ nhật: Sáng từ 5h30 đến 13h30. Chiều từ 15h00 đến 19h30. Các ngày Lễ, Tết làm việc như thường lệ.